Kỹ năng mềm luôn là thứ quan trọng và cần thiết cho mọi người. Chúng ta có thể học được chúng trong cuộc sống hay một môi trường nào đó. Cũng có thể tham gia các khóa học để học được chúng. Những người đã truyền dạy các kỹ năng đó thường rất ít gặp. Hôm nay hãy cũng Đại học FPT Cần thơ gặp một cựu sinh viên hiện đang làm giáo viên dạy kỹ năng mềm – chị Thái Cẩm Bình.
Cùng tìm hiểu đôi nét về cô giáo trẻ này nhé!
“Chị tên đầy đủ là Thái Cẩm Bình, khóa 14, chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật. Hiện tại chị đang là Giáo viên Kỹ năng mềm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sở thích của chị là đọc sách, viết lách, lang thang ở các quán café thơ thẩn và chụp ảnh ^^.”
Phương châm sống của chị là:
● “Nếu bạn có ước mơ, hãy giữ chặt nó và đừng bao giờ từ bỏ. Vì chỉ cần đủ đam mê, nhiệt huyết, kiên trì thì dù sớm hay muộn, nhất định bạn sẽ thành công.”
● “Cho đi là hạnh phúc.”
● “Trên hành trình của chúng ta, có những trải nghiệm rất vui cũng có những trải nghiệm rất buồn và vất vả, nhưng dù là trải nghiệm buồn nhất, vất vả nhất – cũng là những nỗi buồn và những vất vả rất đẹp, vậy nên hãy luôn để sẵn một phần của trái tim để đón nhận những điều thơm tho và đẹp đẽ ấy, chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng.”
Về những kỷ niệm ở trường F.
Chị Bình cho biết rằng khi còn học tập tại Đại học FPT Cần Thơ. Chị rất ít khi tham gia các hoạt động ở trường. Nhưng tại sao là một giáo viên dạy kỹ năng mềm lại không có niềm yêu thích các kỹ năng mềm chứ? Chị cũng đã chia sẻ về những bước nhỏ đầu tiên tạo nên công việc của bản thân hiện tại: “Những lớp dạy kỹ năng mềm chị luôn tham gia học. Chị thật sự rất biết ơn trường đã mở ra các lớp kỹ năng mềm, nhờ đó mà chị đã khám phá được bản thân, biết mình muốn gì, có gì và cần gì”. Cô Oanh (Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ Nhật) cũng là một kỷ niệm khó quên của chị Bình tại trường F. Không chỉ giúp chị Bình về mặt kiến thức chuyên ngành, cô còn luôn chia sẻ với chị rất nhiều về các kỹ năng sống, luôn bên cạnh động viên, an ủi chị mỗi khi chị gặp khó khăn hay bế tắc. FPT có lẽ đã gửi đến cho chị một người tuyệt vời và chắc rằng chị rất biết ơn cô vì những điều cô đã làm.
Tại sao chị lựa chọn trở thành một giáo viên dạy kỹ năng mềm?
“Thật ra, chị không nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên và đặt biệt là giáo viên Kỹ năng mềm. Cơ duyên đưa chị đến nghề giáo và dần dà chị muốn gắn bó với nghề vì chị thấy các bạn học sinh bị áp lực về thành tích nhiều hơn là cách sống tử tế.” Quả thật ngày nay bệnh thành tích luôn xuất hiện ngày một càng nhiều, khi các em học sinh luôn bị đè nặng trên vai bao nhiêu hoài bão, mong ước của cha mẹ mà đôi khi sống không thật với bản thân, luôn bị đem ra so sánh với 4 chữ “con nhà người ta”. Để rồi từ đó chỉ biết cắm đầu vào sách vở mà chẳng biết chút gì về mọi thứ xung quanh, chẳng biết cách đối nhân xử thế hay những điều đơn giản nhưng vô cùng ảnh hưởng đến bản thân của sau này.
● “Chị không muốn điều đó xảy ra, ít nhất xung quanh chị đừng xảy ra quá nhiều! Chị chỉ hy vọng bao thư sẽ là nơi bỏ chữ viết tay chứ không phải là xấp giấy bạc, chị hy vọng các bạn sẽ được sống đúng lứa tuổi của mình hơn là buộc phải trưởng thành sớm và học cách giấu nước mắt vào trong. “
● “Chị hy vọng các bạn ở bên nhau vì thấu hiểu nhiều hơn là lợi ích. Chị biết những suy nghĩ của chị thật đơn thuần nhưng chị vẫn cố gắng hết sức có thể để ở bên các bạn những khi các bạn cần, giúp các bạn phát triển bản thân.”
Kỹ năng mềm cần thiết cho mọi người như thế nào? Chị có khó khăn gì khi giảng dạy bộ môn này không?
Chị Bình đáp: “Kỹ năng mềm (Soft skills) hay còn được gọi là kỹ năng thực hành xã hội như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định mục tiêu, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng vượt qua áp lực, sống để yêu thương,… Kỹ năng mềm quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc và cuộc sống.
Tại sao học sinh/sinh viên cần học và phát triển kỹ năng mềm? Vì kỹ năng mềm sẽ hỗ trợ các bạn nâng cao hiệu quả học tập, giúp các bạn xác định được mục đích, lý tưởng cuộc đời của các bạn là gì, là công cụ để phát huy kỹ năng cứng, giúp các bạn hòa đồng và biết cách làm việc tập thể. Ngày nay, các nhà tuyển dụng rất coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên, vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác năng lực của người lao động. Vì vậy, các bạn học sinh/sinh viên nên sớm trau dồi và phát triển kỹ năng mềm thật tốt để dễ dàng, thuận lợi phát triển sự nghiệp và cuộc sống tinh thần.
Như các bạn cũng biết đấy, chuyên ngành của chị là ngôn ngữ Nhật chứ không phải là tâm lý học nên khi vào nghề dạy bộ môn này với chị thật sự rất khó khăn, trong công ty chị là người nhỏ tuổi nhất, không có kinh nghiệm, trái ngành. Rồi chị chợt nhận ra rằng cuộc sống giống như cái biểu đồ hình sin. Mọi việc đều lên rồi xuống, rồi lên. Sẽ có lúc mình thấy cực kỳ viên mãn và tốt lành, nhưng rồi lại có lúc như va vào tường và nghĩ “tiêu rồi”. Rồi lại qua, lại thênh thang… Và rồi lại có thử thách. Rồi qua…
Vậy nên, quan trọng không phải là mình đang thành hay bại, mà mình đi qua những thành bại đó thế nào. Thật ra, khi ta nhìn ở một góc độ nào đó thì công việc chính là vấn đề mà, phải không? Làm việc chính là giải quyết vấn đề. Hết vấn đề này đến vấn đề khác. Khi vừa hơi ổn ổn thì đã sửa soạn nảy sinh vấn đề tiếp theo. Dự án mới bắt đầu thì trục trặc kiểu khác, với những dự án đã chạy và đã có chút thành tựu thì gặp vấn đề kiểu khác. Dự án đã có chỗ đứng, đã được ghi nhận thì áp lực càng cao. Những lúc tinh thần kém chị hay nghĩ sao cuộc sống nặng nhọc quá vậy và tại sao mình phải đeo mang những thứ đó.
Nhưng thật may là khi tinh thần khỏe lên, chị không còn nhìn quá dài mà chỉ tập trung vào việc cần làm trước mắt, và nghĩ rộng.
– Sóng gió có bao giờ biến mất không?
– Không, và cầu vồng cũng vậy!”
Thắc mắc về môi trường làm việc của một giáo viên kỹ năng mềm!
Chúng ta đều biết kỹ năng mềm là một thứ hết sức quan trọng cho mọi lứa tuổi. Nhưng theo như buổi trò chuyện với chị Bình, được biết chị đang làm việc chủ yếu với con người, đối tượng là các bạn học sinh cấp hai. Chị cho biết: “Lứa tuổi này là dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn định nên có nhiều vấn đề xảy ra. Cũng may vào lúc đó chị luôn được sếp chị (Chị Phương) và các anh chị đồng nghiệp khác như anh Giang, chị Tiếp, Chị Vy luôn hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình. Ngoài ra, người luôn ở phía sau chị là cô Oanh (Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ Nhật – ĐH FPT CẦN THƠ) cô luôn động viên và hỗ trợ chị rất nhiều.”
Lời nhắn đến các em khóa dưới bằng cả tấm lòng!
“Dù có đang khóc vì bị ai đó bỏ rơi thì cũng nhớ lật tập sách ra học cho đàng hoàng, không ai có thể lo cho chúng ta vĩnh viễn kể cả cha mẹ, làm gì thì làm nhớ luôn độc lập về tài chính, làm ít hay làm nhiều không có ai đánh giá hết, nhưng chúng ta nên kiếm tiền từ chính sức lực và sự cố gắng của mình thì luôn được nể trọng. Chúng ta có quyền yếu mềm, nhưng mà những lúc cần dứt khoát thì phải dứt khoát, người mà làm chúng ta tổn thương rồi thì hà cớ gì phải níu giữ người ta lại, bất kỳ lỗi nào gặp ba lần thôi thì chấm dứt. Lớn hết cả rồi, sức khỏe thì có hạn, sắc đẹp thì sẽ hết, nhưng trí tuệ thì còn mãi. Đừng vì tổn thương mà trễ nải phát triển bản thân mình nha, người này đi thì sẽ có người khác tới, nhưng mà thời gian qua rồi thì chúng ta sẽ không lấy lại được đâu. Chúc các bạn một đời an nhiên!”
Cảm ơn chị vì những chia sẻ đầy cảm xúc! Chúc chị sẽ luôn hạnh phúc, vui tươi để có thể dẫn dắt thêm nhiều thế hệ học sinh!
Nhật Lam